Việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua dù đã đạt được một số kết quả quan trọng, tuy nhiên chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng.
>> Thu hút doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội
Điều này xuất phát từ một số vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội, liên quan đến vấn đề bố trí quỹ đất, thiếu quy hoạch phát triển nhà ở xã hội ở địa phương, quy trình miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội phức tạp khiến thời gian kéo dài…
Hiện nay quá trình triển khai nhà ở xã hội vẫn tồn tại không ít vướng mắc.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Một dự án nhà ở xã hội để hoàn thành thủ tục đầu tư doanh nghiệp phải mất vài năm. Trong khi đó, lợi nhuận lại bị khống chế không vượt quá 10%. Đây là mức trần rất khó thu hút chủ đầu tư. Cùng với đó, sau khi khởi công dự án, chủ đầu tư phải cung cấp thông tin cho Sở Xây dựng và công bố công khai việc mở bán để người dân trong diện đối tượng được mua biết và đăng ký. Đặc biệt, sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký, duyệt hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật về đối tượng được mua chủ đầu tư dự án phải lập và gửi danh sách về Sở Xây dựng để kiểm tra…
>> Hà Nội uỷ quyền thẩm định giá bán, chuyển nhượng nhà ở xã hội
Như vậy, việc bán nhà ở xã hội phải tuân theo quy định rất khắt khe và có kiểm soát chặt chẽ. Do đó, một số doanh nghiệp đang chờ đợi Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua có hiệu lực với quy trình, thủ tục thông thoáng hơn. Ngoài ra, các chủ đầu tư cũng đang gặp khó khăn khi tiếp cận với các khoản vay do không có tài sản thế chấp.
Để tháo gỡ những “nút thắt” này, thời gian tới, các bộ ban ngành cần tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật, nhất là các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Nhà ở (sửa đổi) và các pháp luật khác có liên quan. Từ đó, giải quyết các vướng mắc về đất đai như vấn đề quy hoạch quỹ đất, giải phóng mặt bằng hay một số thủ tục khác liên quan đến đất đai… nhằm bảo đảm minh bạch, đơn giản hóa quy trình để nhanh chóng triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, quy trình thực hiện dự án nhà ở xã hội cần bài bản nhưng phải đơn giản hoá, rút ngắn các quy chuẩn, quy trình, thủ tục, định mức, đơn giá…
Những quy định từ ba bộ luật mới khi có hiệu lực sẽ đem lại nhiều hy vọng cho doanh nghiệp và người mua nhà ở xã hội.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc vay vốn phát triển nhà ở xã hội, mức lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nên hạ xuống mức dưới 6% đối với chủ đầu tư và mức dưới 4,5% đối với người mua nhà.
Những giải pháp này phần nào tác động đến tâm lý của người mua nhà, cũng như kế hoạch phát triển của chủ đầu tư, thúc đẩy khởi công nhiều dự án nhà ở xã hội. Đặc biệt, giải quyết được vấn đề hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp. Tạo điều kiện tốt nhất để người công nhân, lao động được tiếp cận dễ dàng với nhà ở xã hội.
Cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia
Hiện nay, các quy định về phát triển nhà ở xã hội cơ bản đã hoàn thiện. Do đó, quan trọng là công tác tổ chức triển khai cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan nhằm cụ thể hóa cũng như sớm xây dựng các quy định về phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng.
Đặc biệt, các địa phương cần thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở và đảm bảo nhu cầu phát triển loại hình này trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện phát triển nhà ở xã hội.
Các địa phương cũng cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… Từ đó hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, tạo nguồn cung cho thị trường.
Theo đó, những quy định từ ba bộ luật mới (Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024) khi có hiệu lực sẽ đem lại nhiều hy vọng cho doanh nghiệp và người mua nhà ở xã hội.