Theo ước tính của FiinRatings, Việt Nam cần ít nhất 25 – 30 tỷ USD mỗi năm để đầu tư cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới, tương đương gần 600 tỷ USD cho đến năm 2040.
Tại báo cáo “Triển vọng Thị trường Vốn nợ năm 2024 – Thích nghi với thay đổi”, FiinRatings cho rằng triển vọng ngành bất động sản khu công nghiệp Việt Nam vẫn sẽ được duy trì ở mức ổn định thông qua ba yếu tố: Nhu cầu cao nhờ mở rộng sản xuất của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; nguồn cung được Chính Phủ khuyến khích để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Về yếu tố nhu cầu, làn sóng dịch chuyển, đa dạng hóa dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc được kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài, qua đó nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của cả ngành.
Từ đó, nguồn cung đất công nghiệp tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng thêm 44.760 ha trong giai đoạn 2022 – 2025 để đáp ứng nhu cầu thuê đất công nghiệp tăng mạnh tại Việt Nam. Nguồn cung mới được tăng tốc mở rộng tại đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Còn yếu tố cơ sở hạ tầng, theo ước tính của FiinRatings, Việt Nam cần ít nhất 25 – 30 tỷ USD mỗi năm để đầu tư cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới, tương đương gần 600 tỷ USD cho đến năm 2040.
Trong năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công ước đạt 73,5% so với kế hoạch, mức chi đầu tư công chiếm 35% tổng chi ngân sách Nhà nước và là tỷ lệ lớn nhất từ trước đến giờ. Trong giai đoạn tiếp theo, đầu tư công được kỳ vọng duy trì ở mức cao khi Chính phủ đã đưa ra các kế hoạch phát triển toàn diện về cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giao thông ước tính sẽ chiếm 30% tổng nhu cầu với các hệ thống cao tốc, cảng biển, sân bay; hạ tầng viễn thông, nước sạch hay nhà ở xã hội.
Mặc dù đây là động lực chính cho tăng trưởng bất động sản công nghiệp và kinh tế cả nước nhưng vẫn có những hạn chế đáng kể cho sự phát triển bền vững, nổi bật nhất là sự khan hiếm nguồn tài chính dài hạn.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại đóng vai trò quan trọng khi là nguồn tài trợ chính nhưng việc phân bổ vốn vay cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng vẫn tương đối khiêm tốn, thường dao động từ 5% đến 7% trên tổng dư nợ ở từng ngân hàng.
Trong giai đoạn tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra các hạn chế về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, có thể dẫn đến việc cắt giảm hơn nữa việc phân bổ vào cơ sở hạ tầng.
Mặt khác, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mới phát triển, với quy mô thị trường trái phiếu vẫn còn tương đối khiêm tốn, chỉ chiếm 9,75% GDP cả nước. Điều này thể hiện sự hạn chế về các công cụ tài chính để các tổ chức tài chính khác, như các công ty bảo hiểm, có thể tham gia tích cực hơn, trở thành nguồn tài trợ ổn định cho phát triển cơ sở hạ tầng.
Minh An (t/h)