Trục sông Hồng là trục động lực chính
Quy hoạch TP. Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua tại hội nghị hôm 23/2, với điều kiện phải hoàn thiện, bổ sung, chỉnh sửa. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô đến năm 2030.
Theo Dự thảo báo cáo Quy hoạch, không gian phát triển Thủ đô Hà Nội sẽ được tổ chức với 5 trục động lực, trong đó sông Hồng là trục động lực chính, điểm nhấn của vùng đô thị trung tâm kết nối đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng. Định hướng hình thành không gian văn hóa, lễ hội, văn hóa, thể thao, phát triển du lịch, dịch vụ kinh tế ban đêm và các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, chăm sóc người cao tuổi dọc hai bên sông.
Khai thác có hiệu quả 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế Thủ đô thực sự trở thành đầu mối hội tụ, trung tâm kết nối, động lực lan tỏa nội vùng và liên vùng, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, hướng tới các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển.
Tổ chức hài hòa, khai thác hợp lý 5 không gian phát triển và phát triển mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô, bao gồm 1 đô thị trung tâm và 4 thành phố thuộc Thủ đô. Phát triển hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ thuộc khu vực nông thôn; phát triển các khu chức năng và kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng thông minh, hiện đại.
Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng giao thông kết nối 4 phương thức vận tải gồm hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia kết nối liên vùng và quốc tế, đường thủy nội địa với vận tải biển; đường vành đai 4 và 5 kết nối vùng. Tập trung phát triển hệ thống đường sắt đô thị đủ khả năng thay thế phương tiện giao thông cá nhân và kết nối trung tâm Thủ đô với các trung tâm đô thị vùng Thủ đô.
Đáng chú ý, ngoài việc mở rộng, nâng công suất sân bay Nội Bài ở mức giới hạn hiệu quả, Hà Nội sẽ xây dựng sân bay thứ 2 vùng Thủ đô để mở rộng không gian phát triển khu vực phía Nam.
Cần mở ra những lĩnh vực mới, không gian mới
Góp ý cho bản Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh cho rằng, việc phát triển kinh tế của Hà Nội không cần phải tập trung vào nhiều ngành, mà tập trung vào một số ngành có yếu tố nổi trội, lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế.
“Hà Nội nên tập trung vào các ngành sản xuất chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) hiện là xu thế của thế giới và đang có tiềm năng của Hà Nội”, ông Dũng gợi ý. Bên cạnh đó, các vấn đề định hướng phát triển các ngành kinh tế công nghiệp xanh, kinh tế số, công nghiệp văn hóa, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị… cũng là thế mạnh, lợi thế của Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, cần phát triển mạnh hơn nữa sản xuất công nghiệp tại khu vực thuộc Hà Tây cũ, tạo điều kiện đẩy nhanh đô thị hóa tại khu vực này, giảm sức ép cho khu vực các quận nội thành hiện hữu.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích, Hà Nội tiếp giáp Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam… là những địa phương nhiều đất khu công nghiệp, nên thời gian qua, chưa dành sự quan tâm đúng mức để dành quỹ đất phát triển công nghiệp. “Tới đây, nếu giữ cơ cấu này, thì rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5 – 9,5%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030”, TS. Cao Viết Sinh nói.
Một điểm nghẽn nữa mà các chuyên gia cũng chỉ ra cho Hà Nội là vấn đề hạ tầng. “Hạ tầng chưa đồng bộ là điểm nghẽn chung của các địa phương, nhưng vấn đề của riêng Hà Nội là chậm triển khai hạ tầng ngầm”, ông Sinh góp ý.
Theo GS-TS. Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, hạ tầng giao thông, đặc biệt là các không gian mới cần được đẩy nhanh hơn. “Hà Nội nên ưu tiên đầu tư vào những trục lớn, hệ thống ngầm, không gian mới”, ông Quân đề nghị.