17 C
Vietnam
Thứ ba, 3 Tháng mười hai, 2024
Trang chủThị trườngĐã đến lúc trả lại việc kinh doanh vàng cho thị trường

Đã đến lúc trả lại việc kinh doanh vàng cho thị trường

Ngày:

Bài liên quan

spot_imgspot_img

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường vàng, trong đó sự chênh lệnh về giá vàng giao dịch giữa trong nước và thế giới rất lớn, nhiều chuyên gia cho rằng, điều này có thể gây nên những rủi ro, tác động tiêu cực đến sự an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, nền kinh tế và tâm lý xã hội…

Theo các chuyên gia, Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời năm 2012 đã giúp ổn định thị trường vàng vốn rất nhiều bất cập thời điểm đó. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 10 năm, các quy định quản lý chặt chẽ ở Nghị định 24 ngày càng không còn phù hợp.

Về vấn đề này, GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nêu ý kiến các quy định như Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, chọn thương hiệu SJC là thương hiệu vàng quốc gia, cấm nhập khẩu vàng… đã khiến nguồn cung vàng trong nước rất hạn chế.

image 18

“Tâm lý của người dân Việt Nam liên quan đến chuyện tích trữ để đảm bảo an toàn, phòng tránh rủi ro. Trong bối cảnh người ta cần có tích lũy như thế mà vàng miếng là vàng tích lũy, vàng SJC lại được xác định là vàng thương hiệu quốc gia thì đương nhiên người dân tích lũy sẽ chọn vàng tin cậy nhất. Trong khi cung không có mà cầu có thực thì đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu và giá vàng sẽ tăng”, GS.TS. Hoàng Văn Cường phân tích.

Cũng do giá chênh lệch nhiều, nguồn cung hạn chế đã khiến tình trạng buôn lậu vàng diễn ra phức tạp, gây nhiều hệ lụy như thất thu thuế, chảy máu ngoại tệ, ảnh hưởng đến quản lý tỷ giá… Do đó, cần thiết phải thay đổi nhiều nội dung quan trọng tại Nghị định 24.

Dẫn kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết: “Theo thông lệ quốc tế, người ta coi vàng là một loại hàng hóa. Và quy định có hai loại vàng là vàng vật chất và vàng phi vật chất. Vàng vật chất bao gồm vàng thỏi, vàng miếng, đồng tiền vàng, trang sức. Còn vàng phi vật chất bao gồm vàng tài khoản và các chứng chỉ về vàng được giao dịch rất thông dụng trên thị trường. Các ngân hàng trung ương các nước hầu như không quản lý trực tiếp việc kinh doanh vàng, vì họ coi đó là hàng hóa thông thường. Vàng được quản lý bởi các cơ quan như bộ thương mại, hay bộ kinh tế… Còn ngân hàng trung ương chỉ quản lý ngoại hối, dòng tiền ngoại tệ”.

Nhấn mạnh chủ trương của Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân mua và tích trữ vàng miếng là rất đúng đắn, ông Nguyễn Thế Hùng cũng đề nghị: “Đã đến lúc phải Nhà nước phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp có đủ năng lực, điều kiện sản xuất vàng trang sức một cách thuận lợi, có nguyên liệu chính thống để đáp ứng nhu cầu của người dân; đồng thời, đảm bảo sự liên thông giữa thị trường trong nước và thế giới để hạn chế những bất cập trên thị trường trong nước hiện nay”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng giám đốc TPBank cho rằng, nếu cho kinh doanh vàng mà chưa gắn với điều chỉnh nguồn cung thì chưa xử lý được vấn đề chênh lệch giá. Do đó, cần mở rộng từ phía nguồn cung.

“Về phía cầu, thực tế nhu cầu mua vàng cất trữ ở nhà không nhiều, mà nhu cầu đầu tư chiếm phần lớn hơn. Do đó, nên trả việc này về cho thị trường tài chính. Với người mua đầu tư, có lúc mua, lúc bán, nhưng do không có hình thức nào khác nên nhu cầu này dồn hết về vàng vật chất, tạo nên các chi phí, nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu. Nếu có các công cụ giao dịch vàng phi vật chất, áp lực với thị trường vàng vật chất sẽ không còn”, ông Nguyễn Việt Anh cho biết.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong bối cảnh mới phải thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng. Theo đó, cần nghiên cứu để đưa thị trường vàng trở thành bộ phận hữu cơ của thị trường tài chính, để từ quản lý thị trường minh bạch, hiệu quả và đưa được nguồn lực lớn vào phát triển kinh tế.

“Chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm các nước để cho phép đưa vàng vào giao dịch kỳ hạn trên sàn như các hàng hóa khác, với điều kiện các thành viên tham gia có đáp ứng các tiêu chuẩn phù hợp. Đồng thời, chúng ta có thể thành lập quỹ tín thác ETF vàng, để người dân có nhu cầu đầu tư có thể tham gia mà không cần tích trữ vàng vật chất”, GS.TS Trần Thọ Đạt khuyến nghị.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nên thành lập Sàn giao dịch vàng để quản lý thị trường vàng minh bạch, hiệu quả theo đúng xu hướng của thế giới. GS.TS. Hoàng Văn Cường nêu ý kiến, sàn giao dịch này sẽ góp phần lưu thông mua bán vàng trên thị trường, là công cụ để để điều hoà thị trường.

“Khi chúng ta có một Sàn giao dịch vàng, người dân sẽ thay đổi được tâm lý; đó là có thể thu mua vàng trên sàn, mua chứng chỉ vàng, vàng của tôi ở đấy. Như vậy, người dân sẽ không phải lo chuyện cất trữ vàng và vàng đấy sẽ được nằm trên thị trường, chứ nó không nằm trong két sắt. Và như thế thì hàng hóa sẽ được lưu thông trong thị trường, mua bán được. Khi đó chúng ta không phải ngay lập tức phải mua vàng thế giới về đúc thành miến để bán. Chúng ta vẫn có vàng để bán trên thị trường, công cụ để điều hòa khi giao dịch vàng trên tài khoản như thế khi sử dụng các công cụ phái sinh bán vàng theo hợp đồng – Khi đấy nó đảm bảo là phản ứng rất kịp thời”, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho biết thêm.

Theo ông Cường, việc phát triển thị trường vàng phi vật chất với các sản phẩm đa dạng và các công cụ phái sinh là phù hợp để điều hòa thị trường cân đối, có lợi cho người dân, mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc cho phép mở sàn giao dịch vàng kỳ hạn, phát hành chứng chỉ về vàng… đòi hỏi phải có khung khổ pháp lý phù hợp, minh bạch.

Đăng ký

- Không bao giờ bỏ lỡ tin tức với thông báo

- Có quyền truy cập đầy đủ vào nội dung cao cấp của chúng tôi

- Duyệt miễn phí từ tối đa 5 thiết bị cùng một lúc

Mới nhất

spot_img